MÙ U NĂM NGOÁI



Mù-U Năm Ngoái:
một bài tản văn, viết rất khéo, đưa người đọc trở về hình ảnh sông nước
Miền Nam. Dù ai dẫu chưa một lần được tận mắt nhìn thấy cây mù-u, thì qua đó cũng có thể biết thêm về đặc tính hay nhiều công dụng của một loài cây, không được mấy ai trồng, chỉ chuyên mọc ven những vùng sông nước miền Nam. Nhưng riêng đối với PQ thì hai chữ mù-u kia, từ dạo xa xưa lắm, ngay sau lần đầu tiên được biết đến trong hai câu ca dao:

Bướm vàng đậu nhánh mù-u
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.


thì mỗi khi nghe lại, tự nhiên đã mang một cảm giác u trầm xa vắng, như cánh bướm vàng nhà ai, vừa đậu lại rồi vụt bay đi, để lại một nỗi buồn thật nhẹ nhàng
nhưng ray rứt khôn nguôi. Nghe một lần câu ca dao ấy, để nhớ hoài rồi miên man làm nhớ thêm, những câu truyện “lấy chồng sớm” hay “gả con xa”,
trong các truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, từng làm say mê thời còn Trung học.

Thêm một chi tiết nữa làm PQ thấy gần gũi hơn với câu truyện “Mù-U Năm Ngoái” này, có lẽ chính là từ cái tên Huỳnh Hữu Cửu,
tác giả của bài viết. Ông là một Bác sĩ Y khoa chuyên về mắt và kính từ
quê nhà và sau đó tại Little Saigon từ vài thập niên gần đây. Ông đã khởi sự ký thác xuống mặt giấy những nhận xét tinh tế, sinh động về tạo vật, về đời sống từ mùa hè 1984. Được biết dạo 1975, nơi chốn Ông chọn đến định cư đầu tiên là New Orleans, Louisana, chỉ vì nơi đó có con sông
Mississippi, đã đem đến cho Ông nhiều cảm xúc và kỷ niệm về dòng sông Hậu Giang nơi quê nhà. Năm 1987 Ông có cho ra mắt tại Orange County một Tuyển tập Tạp Văn, với tựa đề “Sông Mỹ Sông Việt”,
mà truyện ngắn đầu tiên trong tác phẩm ấy, cũng mang cùng tên đó. Đúng là phải có dịp ngồi xuống, để nghe Ông kể về ký ức chuyến ra Hà Nội để thi vấn đáp vào Y Khoa năm thứ nhất trường Quân Y dạo 1954, mới thấy được nỗi sung sướng, thích thú đến ngỡ ngàng biết chừng nào của một chàng sinh viên miền Nam, lần đầu tiên được ra đất Bắc, đứng trước những
danh lam thắng cảnh, được thưởng thức món ngon vật lạ, cũng như làm quen với ngôn ngữ và phong tục nơi xứ Hà Thành.

Sông Mỹ hay Sông Việt, cuối cùng thì dòng sông nào cũng đổ về đại dương. Tác giả bài viết Mù-U Năm Ngoái
giờ đây: mây đã trôi về cố xứ. Thời thế đã quá đổi thay, có lẽ chỉ còn những rặng mù-u vẫn lặng lờ nơi vùng sông nước ấy, vẫn bốn mùa thi gan cùng tuế nguyệt…

Những chùm mù-u dù còn xanh trên cành, hay đã già rơi rụng, lênh đênh trôi theo dòng nước, thì chắc chắn tất cả những hình
thể kia, cũng mãi vẫn tròn xoay, vẫn mãi là những quả cầu nho nhỏ, tròn
như một thứ kỷ hà học, vì không thể tròn hơn, càng vo tròn trong nỗi nhớ kẻ ly hương.

Phùng Quân

Bạn đang đọc: MÙ U NĂM NGOÁI





hoa_mu_u-content




MÙ-U NĂM NGOÁI – HUỲNH HỮU CỬU


Trái gì bằng trái cau mà lại đau hai tật?

Là trái mù u: vừa mù lại vừa u! Mù u! Cái tên thật nôm na, bình dân, có gì nói nấy, phơi bày không một chút giấu giếm hình ảnh của một sự tối tăm, mùa lòa, bệnh tật.

Nhưng xin đừng tưởng cây mù u là một cây tầm thường. Một anh bạn của tôi, bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, cho biết ở Huế có câu tục ngữ:

Văn thánh trồng thông, võ thánh trồng bàng
Sơn hà xã tắc hai hàng mù u.

Nghĩa là cây thông và cây bàng được dùng để trồng trước cái miếu thờ quan văn và quan võ, còn cây mù u thì lại được trồng ở cung điện của vua chúa. Cái lý do sâu xa thì không ai rõ, chỉ biết rằng cây mù u có tên khác rất đẹp là bạch mai. Nhà văn Nguyễn Văn Ba cho biết ở Hà Tiên có loại mù u bạch mai này và ngay trước lăng Mạc Cửu có trồng một cây bạch mai cổ thụ (Chính phu nhân của anh Ba là nhà văn Nguyễn Bạch Mai cũng đã dùng cái tên đẹp của mù u làm bút hiệu).

Gọi là bạch mai có phải vì bông mù u có những cánh nhỏ bao quanh nhụy vàng ở giữa giống bông mai chăng? Dù sao, ngoài màu trắng tinh khiết, bông mù u còn tỏa ra một hương thơm nhè nhẹ. Trong một chùm bông mù u, bên cạnh những bông còn hàm tiếu và những bông đã mãn khai là những trái mù u nhỏ, mỗi trái tròn bằng đầu ngón tay út, xinh xắn. Với thời gian, những trái mù u ấy dần dần trưởng thành, vóc dáng nẩy nở, tròn trịa hơn, lớn bằng ngón chân cái hay hơn, nước da xanh mơn mởn pha chút màu vàng khi trái mù u sắp chín.

Thật không có trái cây nào tròn như trái mù u. Nhãn, dâu ta và bòn bon cũng tròn, nhưng mù u vượt tất cả về điểm này. Nó tròn như một quả cầu kỷ hà học. Ẩn dưới lớp vỏ mỏng của mỗi trái mù u là một cái hột cứng (có thể gọi là cái sọ như sọ dừa) cũng tròn không kém. Phía trong cái hột cứng là cái nhân tươi, giòn, màu vàng xanh, chứa nhiều dầu. Chính nhờ ở chất dầu này mà trái mù u được nhiều người biết và nhớ tới.

Dầu mù u tên tiếng Anh là tamanu, cây mù u tên là Poon tree (theo tiếng Mã Lai là Punna). Tên khoa học của cây mù u là Calophyllum Inophyllum. Cây mù u là một loại đại mộc cao tới 20 thước, có họ hàng với cây măng cụt (lá mù u giống lá măng cụt, dày và có nhiều gân). Tên theo sách thuốc Đông y là Hồ Tòng Lệ.

Thân cây mù u cũng chứa nhiều mủ màu xanh thường thấy rịn ra ở vỏ. Cũng nhờ thân cây mù u có nhiều dầu nên gỗ mù u khó thấm nước và được dùng đóng ghe, xuồng. Tôi có một người dượng ở làng Nhơn Nghĩa cả ngày chỉ một mình cặm cụi cưa một thân cây mù u thật lớn và xẻ ra thành từng miếng ván mỏng, để rồi sau đó, cũng không nhờ ai giúp, đóng ra cho được một chiếc xuồng xinh xắn.

Mủ mù u có dược tính là có thể chữa được các bệnh ghẻ, nhọt, nhất là những mụn nhọt nổi từng cục lớn như cục u trên đầu. Không biết có phải tại vì mủ cây ấy trị được u nên gọi là cây mủ u rồi lâu ngày đọc trại ra mù u chăng? Cũng có người gọi cây mù u là cây dầu u, và cũng không biết có phải dầu cây ấy trị được các cục u nên gọi là cây dầu u hay không. Dù sao đó cũng chỉ là những phỏng đoán, không bằng cớ đích xác. Điều chắc chắn là mù u là một loại cây rất quen thuộc và thông dụng với người Việt miền Nam.

Ở thôn quê miền Nam, mù u thường mọc theo bờ sông, rạch. Có lẽ từ một bờ rạch nào đó một trái mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây để nảy mầm, mọc rễ. Các sông rạch ở nước ta đa số theo thủy triều lên xuống mà có nước lớn và nước ròng mỗi ngày hai lần. Vì vậy nên khi nước lớn, có những trái mù u từ ngoài sông cái trôi vào và khi nước ròng có những trái mù u khác từ trong các ngọn ngành trôi ngược trở ra. Những trái mù u này, nếu gặp thuận duyên thì trôi ra đến tận biển và biết đâu trong số đó chẳng có những trái sẽ viễn du qua các xứ Mã Lai, Nam Dương…

Ở vùng Hậu Giang, chẳng những trái mù u trôi lênh đênh để mặc sóng nước đẩy đưa, người ta còn có thể vớt được những trái mù u do những chiếc “bè súc” đem đến.

Bè súc là những chiếc bè bằng tre cặp theo những thây cây đủ loại thật lớn đã cắt bỏ nhánh và ngọn gọi là cây súc. Tre dùng làm bè là loại tre rừng rất lớn, đường kính rộng bằng cái chén ăn cơm hay lớn hơn, ruột bộng, tre khô thả xuống nước nổi phêu như một cái phao. Nhiều cây tre như vậy kết lại thành một cái bè. Mỗi cây súc được hai bè tre cặp hai bên để cho khỏi chìm. Một chiếc bè súc lớn do tàu kéo trên sông có khi gồm vài chục cây súc. Những bè súc này từ những khu rừng rậm ở thượng lưu sông Hậu được tàu sà-lúp kéo theo hướng Đông Nam về Cần Thơ, để rồi từ đó phân phối cho các trại cưa ở ven các sông rạch nhỏ hơn như Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền hay là xa hơn nữa như Cầu Nhiếm, Ba Xe, Rạch Gòi v.v…

Những buổi trưa nắng, một mình tung tăng chạy nhảy trên một bè súc cặp dưới bến một trại cưa để lượm mù u là một cái thú. Dưới chân là thân những cây súc đã lột vỏ, bóng láng, mặt trời chiếu nóng như nung. Lấy tay vớt những trái mù u lên ngửi, một mùi chua chua, thiu thiu đặc biệt của lớp vỏ mục nghe thoang thoảng. Có những trái mù u còn nguyên vỏ, có những trái bị tróc hay dơi gậm một miếng vỏ lớn để lộ cái sọ mù u bên trong. Có những trái ngâm mình dưới nước ướt sũng, những trái khác bị sóng đánh nhảy vọt và vướng vào dây mây dùng cột bè trên cao, vỏ đã khô đen, nhăn nhúm. Mà chẳng những lượm được mù u không thôi, người ta còn có thể lượm được nhiều thứ trái cây khác trôi tấp vào bè: bần, cam, bưởi, cau v.v… Cũng có nhiều thứ bông như bông sứ, bông chúa, bông phù dung, bông tra, bông cây sao với hai cái đuôi, bông gòn với những sợi lông mịn giống như tai của một con mèo con. Có những chiếc lá rất lạ, hình dáng kỳ dị, chiếc còn xanh, chiếc đã vàng úa, lốm đốm những vết nâu. Rồi còn bèo nữa. Những cánh bèo lớn nhỏ đủ thứ bị giạt vào bè giờ đây nằm phơi nắng, những bông tím rung rinh và héo dần dưới làn gió sông có lúc nóng hừng hực.

Mù u lượm từ những chiếc bè như trên có khi vừa lượm vừa chơi một lát đã đầy rổ. Kể cũng là nhiều rồi đó, nhưng không bằng lượm ngay dưới gốc cây mù u mọc ven sông. Chỉ dưới một gốc cây mù u thôi, người ta có thể lượm được vài chục trái. Nhiều khi trái mù u rụng do nước mưa chảy hay nước sông dâng lên làm cho trôi và lăn lại nằm gần nhau như những cái trứng trong một ổ trứng, tha hồ mà hốt! Ngoài ra cần phải nhớ tìm lượm thêm những trái đã rụng từ lâu nhưng nằm khuất dưới lớp lá mục.

Mù u lượm về được đem đổ ra phơi ở sân như phơi lúa. Ở thôn quê, nhà nào cũng có một cái sân phía trước, nền đất nện cứng, quét dọn sạch sẽ, và thường thì nhà nào cũng có mù u, trải phơi ở sân.

Trẻ con chơi trong sân hay quanh nhà cứ ra chỗ phơi mù u lựa lấy những trái thật tròn và thật lớn để làm đồ chơi. Muốn làm một món đồ chơi nào đó, trước hết phải lấy một con dao nhỏ cạo cho sạch lớp vỏ bao bọc chung quanh cái sọ mù u. Đoạn mài cái sọ ấy xuống nền xi măng hay dùng giấy nhám đánh cho láng. Thế là có một hòn đạn (hòn bi) dùng chơi bắn đạn. Một đứa trẻ có thể có hàng chục hòn đạn như vậy. Muốn làm một món đò chơi khác như làm một cái ống điếu chẳng hạn thì lấy dao cưa phần trên của sọ mù u rồi moi cho hết cái nhân ở bên trong, xong khoét một lỗ nhỏ bên hông và gắn vào đó một cái ống trúc dài độ bảy, tám phân là thành cái ống điếu. Cũng có thể làm một cái chong chóng bằng một miếng tre mỏng, trục chong chóng là một cọng tre cho đâm xuyên qua trái mù u đã moi ruột. Đoạn dùng một sợi dây nhỏ quấn vào trục rồi kéo mạnh làm chong chóng quay tít.

Trẻ nhỏ thì chỉ chơi với mù u đại khái như trên, nhưng người lớn thì dùng trái mù u để làm một món đồ thực dụng: một cái gáo nhỏ dùng múc nước mắm. Lựa một trái mù u thật tròn và thật lớn, gáo còn tươi màu vàng, cưa miệng và moi ruột như vừa nói, đoạn khoét hai lỗ nhỏ gần miệng để tra vào một cái cán tre là xong. Cái gáo mù u giống hệt cái gáo dừa thường dùng để múc nước, nhưng nhỏ xíu và trông thật dễ thương. Hình ảnh một cái gáo mù u nhỏ xinh xắn do một cô bán hàng rong dùng múc chút nước mắm tỏi ớt chan lên dĩa thức ăn trước khi trao tận tay mình một buổi trưa hè là một hình ảnh không thể quên được.

Nhưng mà trái mù u không phải chỉ được dùng để chơi hoặc để làm đồ dùng trong việc ăn uống thôi đâu. Còn nhiều công dụng khác nữa. Ở nhà quê không có đèn điện, nhà nào nghèo không có tiền mua dầu lửa đốt đèn thì dùng đèn dầu mù u. Mù u phơi khô đập lấy ruột rồi dùng máy ép để ép lấy dầu. Máy ép dầu mù u rất đơn sơ, cốt yếu chỉ là hai khúc gỗ lớn ép lại với nhau, có khi hai khúc gỗ ấy lại chính là gỗ mù u!

Cây đèn dầu mù u lắm khi thật là giản dị: một cái chén hay một cái dĩa đựng dầu có cọng tim nằm vắt lòng thòng ra vành miệng để đốt. Đèn dầu mù u có lẽ hưởng tâm lý của tên gọi nên ánh sáng lúc nào trông cũng có vẻ lù mù. Vả lại dầu mù u khi đốt lên có khói xanh bốc lên bay khắp nơi làm không khí đục mờ. Một căn nhà lá nghèo nàn trống trước hở sau mà đêm đốt lên một cây đèn dầu mù u càng làm tăng thêm vẻ nghèo khổ, cơ cực. Tuy nhiên, nếu bên cạnh ngọn đèn có vài mái đầu trẻ thơ cặm cụi tập đọc, tập viết thì đó là một cảnh tượng cao đẹp, trông thật cảm động.

Ngoài cách đốt đèn bằng dầu, người ta có thể làm những cây rọi để đốt. Mù u ép xong, lấy xác còn lại trộn với một chút bông gòn, tẩm vào một chút dầu mù u rồi quấn vào một cọng tre như làm một cây nhang lớn: đó là được một cây rọi. Một buổi tối nếu đi ngủ sớm chỉ cần đốt một hoặc hai cây rọi là đủ. Cũng có thể đập lấy ruột mù u phơi cho héo rồi xắt ra từng miếng mỏng, đoạn xỏ xâu vào một cọng tre: thế là có một cây rọi kiểu khác. Gặp những năm kinh tế khó khăn, dầu lửa khan hiếm, nhà khá giả ở nơi không có điện thì đốt đèn với mỡ heo, dầu phọng; còn nhà nghèo thì thường đốt với dầu mù u hay dùng cây rọi.

Ngoài việc dùng để đốt lấy ánh sáng, dầu mù u còn được dùng để xức các loại ghẻ, nhọt, mụn u. Đốt một trái mù u cho cháy thành than, đoạn tán than ấy cho nhuyễn và trộn vào một chút dầu mù u là có được một thứ thuốc xức ghẻ hoặc nhọt hay tuyệt.

Nhà nghèo thiếu phương tiện, ăn ở kém vệ sinh, lại gặp lúc xà-bông thiếu thốn không đủ để tắm giặt như trong những năm trước 1945 thì ghẻ chốc tràn lan, nhiều khi cha mẹ con cái ai cũng bị nổi u nổi nhọt đầy đầu đầy cổ. Nhưng không sao, đã có thuốc làm bằng than mù u trộn với dầu mù u để xức! Những mụn nhọt sưng lớn mà chưa bể thường làm nhức nhối, nhưng sau khi xức thuốc như trên thì tụ mủ rất nhanh và mụn nhọt sẽ bể, cái cùi được tống ra ngoài và sau đó vết thương được lành chóng vánh.

Ngoài ra và sau hết, xin nói thêm là trái mù u còn được dùng trong việc hết sức đặc biệt, về quân sự: rải xuống đường cho quân giặc đạp nhằm và trượt té! ai cũng biết là trái mù u tròn và rất cứng, ban đêm đi đạp nhằm những trái mù u phơi ở sân, nhất là khi chân mang guốc, thì trợt té dễ dàng như đi giày trượt có bánh xe! Một anh bạn giáo sư nhắc lại là trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân miền Nam đã rải mù u ngoài đường rồi nằm chờ lính Pháp đi qua trợt té để ào ra bắt sống! Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, người đã cho tác giả hai câu tục ngữ trích trên đây, cũng cho biết thêm là ở vùng Huế có lưu truyền một bài vè gọi là Vè thất thủ trong đó kể việc quân của triều đình ta đã rải trái mù u ở cửa Ngọ Môn khiến lính Pháp té ngã.

Xem như trên, cây mù u và trái mù u thật là phổ cập, dính liền với đời sống dân Việt, nhất là ở thôn quê hay miệt vườn miền Nam. Người ta có thể tưởng tượng ra một căn nhà cột bằng gỗ mù u, trong nhà đốt đèn dầu mù u, ngoài sân phơi một đống trái mù u và có một đám trẻ chơi với trái mù u, cạnh đó là một thanh niên vạm vỡ đang cưa cây mù u để lấy ván đóng xuồng, và chiếu xuồng đậu ở đầu cầu dưới bến sông cũng làm bằng gỗ mù u! Cái gì cũng là mù u cả! Cho đến trên một chiếc ghe chở hàng đi buôn nào đó cặp bến chờ con nước, người khách thương hồ nằm trong ghe cũng nghe trong lùm cây mù u trên đầu tiếng cánh đập lạc xạc của con dơi bay tìm cạp những trái mù u chín, hoặc thỉnh thoảng nghe được tiếng trái mù u rơi “bộp” xuống khoang thuyền hay “tõm” xuống mặt sông. Và người khách thương ấy bỗng cảm thấy một nỗi buồn nhớ mênh mông dâng lên trong lòng, cảm hứng cất giọng khẽ hát một bài hát theo điệu lý, lý mù u:

Trăng đã lên chơi vơi rừng u
Mù u đã chín ơ
Soi bóng trong khoang ghe rường ơ
Mù u đã rơi…

Đến đây quý bạn độc giả đã thấy nói nhiều về mù u nên chắc hẳn muốn biết tại sao bài này lại có tựa “Mù u năm ngoái”.

Xin thưa là nguyên gần đây, trong một chuyến viếng thăm Á châu, người viết có dịp đến dưới một gốc mù u để tìm lượm trái. Lúc đó tôi chợt nhớ lại câu thơ bất hủ trong truyện Kiều: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Sở dĩ có sự liên tưởng đó vì tôi thấy hoa đào trong câu thơ và trái mù u có một cái gì phảng phất giống nhau. Hôm ấy thật không thấy một trái mù u nào rụng quanh gốc cây cả. Có lẽ vì những người đi trước lượm hết hoặc vì chưa tới mùa có trái chín rụng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, tôi bới tìm trong bụi cỏ và dưới những lớp lá mục thì tìm ra được vài ba trái mù u còn đang nằm ẩn trong đó. Đó là những trái mù u đã rụng từ lâu, từ những mùa năm trước, năm ngoái, và vì liên tưởng tới những cánh hoa đào năm ngoái trong câu thơ Kiều nên người viết xin được gọi những trái mù u ấy là mù u năm ngoái cho có phần thi vị.

Và nói rộng ra, người viết nhận thấy những trái mù u lượm được dưới gốc cây hôm ấy mang hình ảnh của thời ấu thơ ở quê nhà, và có cảm tưởng là chúng đã nằm chờ người bạn cũ tìm đến lượm lên. Vì vậy, nếu trọn câu thơ trong truyền Kiều là “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” thì tại sao đây không phải là “Mù u năm ngoái còn chờ cố nhân”, phải không quý bạn?

Huỳnh Hữu Cửu

Hôm nay ngày 7/12/2016, nhân ngày giỗ Bác Sĩ Huỳnh Hữu Cửu, xin đăng bài này với sự cho phép của phu nhân bác sĩ với tất cả lòng cảm niệm kính mến.

NB